Bệnh sởi là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ em, người lớn cũng có khả năng mắc bệnh sởi. Nếu được điều trị kịp thời và chăm sóc tốt bệnh không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng nếu không được điều trị bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Có thể gây tử vong cho trẻ, nhất là những trẻ nhỏ.
Triệu chứng:
Khoảng 10 tới 12 ngày sau khi tiếp xúc với siêu vi sởi, trẻ thường có những triệu chứng như sốt, ho khan, chảy nước mũi, mắt đỏ, không chịu được ánh sáng. Xuất hiện những nốt nhỏ xíu với trung tâm màu xanh trắng xuất hiện ở bên trong miệng nơi gò má. Trên người mọc ra những đốm đỏ lớn, phẳng, chập vào nhau.
Những triệu chứng của bện sởi ban đầu giống với bệnh sốt siêu vi nên việc phát hiện ra bệnh rất khó nên việc tìm ra cách điều trị gặp khó khăn. Do đó, khi trẻ bị sốt các bậc cha mẹ nên đưa con đi khám để tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị tốt nhất.
Cách chăm sóc trẻ khi mắc bệnh sởi
Trẻ bị sởi cần được nằm cách ly, tránh gió lạnh, nghỉ ngơi. Khi sốt có thể dùng thuốc hạ sốt. Không tự ý cho trẻ uống thuốc Đông y, nếu dùng kháng sinh phải có chỉ định của bác sĩ.
- Nâng cao sức đề kháng cho trẻ nhỏ bằng chế độ ăn với đầy đủ dưỡng chất cần thiết, đồng thời tăng cường lượng nước uống giàu vitamin nhất là vitamin A để bảo vệ đôi mắt của trẻ mắc bệnh sởi. Cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, tránh ăn thức ăn cứng làm tổn thương đường tiêu hóa của trẻ.
- Khi phát hiện có trẻ mắc sởi, điều quan trọng cần chú ý là thực hiện việc cách ly trẻ bệnh với các trẻ lành. Người chăm sóc trẻ bệnh phải đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bệnh, rồi mới được chăm sóc trẻ lành.
- Do bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao nên việc phòng ngừa bệnh, tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng là điều phụ huynh cần chú ý. Mọi người cần giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh nhà cửa và môi trường chung quanh, giữ gìn phòng ốc thông thoáng, sạch sẽ.
- Tránh quan niệm cho bệnh nhân kiêng tắm, kiêng gió sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng hơn.
- Trong trường hợp đã có tiếp xúc nguồn lây, việc sử dụng globulin miễn dịch có thể phòng ngừa bệnh hoặc làm giảm mức độ nặng của sởi. Tuy nhiên, đây là phương thức phòng ngừa đắt tiền và ít phổ biến.
Ngăn ngừa sởi:
Văcxin ngừa sởi rất công hiệu. Trước khi có văcxin ngừa, mỗi năm riêng ở Mỹ có chừng 450.000 ca bệnh, gây ra khoảng 450 cái chết. Việc chủng ngừa rộng rãi đã giảm con số này 99%.
Văcxin ngừa sởi được dùng riêng, hoặc gộp chung với văcxin ngừa quai bị và rubella (bệnh sởi Đức). Thuốc dùng cho trẻ em từ 12 tới 15 tháng và thêm liều thứ hai lúc 4, 5 tuổi.
Bác sĩ Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia khuyến cáo các gia đình nên tiêm nhắc lại văcxin sởi cho con em và ngay cả người lớn (dưới 30 tuổi) nếu chưa tiêm hoặc đã tiêm lâu thì nên đi tiêm để ngăn ngừa bệnh sởi tốt nhất.